Doanh nghiệp thép lãi kỷ lục

21/02/2017
doanh-nghiep-thep-lai-ky-luc

Thị trường bất động sản khởi sắc, áp thuế chống bán phá giá vào sản phẩm thép Trung Quốc... đã giúp cho doanh nghiệp thép lãi lớn, thậm chí có doanh nghiệp đang lỗ bỗng lãi đột biến.

Là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2016 với lợi nhuận cao nhất từ ngày thành lập tập đoàn đến nay. Theo đó, công ty đạt doanh thu 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế  6.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 34% và 89% so với 2015.

Năm 2016 cũng là lần đầu tiên Hòa Phát vươn lên đứng đầu về thị phần tiêu thụ thép xây dựng tại Việt Nam với sản lượng 1,8 triệu tấn, chiếm hơn 22% thị phần toàn thị trường.

Đang dần tạo thế cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành thép, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng thắng lớn trong niên độ tài chính 2015-2016 khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.501 tỷ đồng, tăng 60,9% so với cùng kỳ niên độ trước. Bước sang quý I của niên độ tài chính 2016-2017, dù tình hình thị trường không mấy khả quan nhưng công ty cũng đã đạt lợi nhuận sau thuế 440 tỷ đồng, hoàn thành 26,68% kế hoạch năm.

Theo kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính này, HSG đặt mục tiêu doanh thu thuần 23.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.650 tỷ. Công ty cũng đã thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt 10% và phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 55%, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ tối đa 20% trong niên độ tài chính này.

doanh-nghiep-thep-lai-ky-luc

Doanh nghiệp thép lãi bộn trong 2016. Ảnh minh họa.

Lội ngược dòng trong 2016, báo cáo tài chính năm của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế đột biến đạt hơn 208 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2015. Tổng doanh thu trong năm 2016 đạt gần 8.578,5 tỷ đồng, tăng gần 9%.

Kết quả này cũng giúp Giang thép Thái Nguyên xóa hết lỗ lũy kế gần 188 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Tính đến cuối 2016, lợi nhuận chưa phân phối của công ty đạt gần 18 tỷ đồng.

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn thì một số công ty có thị phần nhỏ hơn cũng tăng trưởng mạnh. Đáng chú ý là Công ty cổ phần đầu tư Thương mại SMC (SMC), đây là một trong những doanh nghiệp thép có kết quả kinh doanh đột phá nhất trong năm qua khi cùng kỳ 2015 lỗ gần 196 tỷ đồng, nhưng nhanh chóng bứt phá trong 2016 với lãi sau thuế 368 tỷ đồng. Hay thép Việt Ý cũng ghi nhận một năm kinh doanh thành công với gần 73 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ 2015 doanh nghiệp này lỗ gần 52 tỷ đồng. Doanh thu của Thép Việt Ý tăng gần 20% so với năm 2015, đạt hơn 3.773 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác trong ngành thép xây dựng là Công ty cổ phần Thép Dana-Ý cũng báo lãi gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 24,5 tỷ đồng. Doanh thu năm 2016 của doanh nghiệp này đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái.

Mẫu số chung cho sự tăng trưởng "nóng" của hầu hết các doanh nghiệp thép xây dựng trong năm 2016 là doanh thu bán hàng tăng, cải thiện biên lợi nhuận gộp và một phần cũng bởi kết quả kinh doanh năm 2015 "chạm đáy". Bên cạnh đó, năm 2016 là năm mà ngành thép trong nước được lợi nhờ hiệu ứng từ việc áp thuế chống bán phá giá vào sản phẩm từ Trung Quốc.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam mới công bố, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước đã sản xuất và tiêu thụ trên 7 triệu tấn thép, tăng trên 20% so với cùng kỳ 2015.

Đặc biệt trong tháng 3 khi quyết định áp thuế tự vệ bổ sung tạm thời đối với mặt hàng thép thanh và phôi thép từ Trung Quốc - quốc gia chiếm trên 50% thị phần nhập khẩu thép của Việt Nam được ban hành, lượng thép tiêu thụ tăng đột biến đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, gấp hơn 2 lần so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bộ phận phân tích các công ty chứng khoán, câu chuyện sản lượng tiêu thụ tăng sau khi áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc lại chủ yếu đến từ yếu tố đầu cơ của các đại lý thép trước quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đi vào hiệu lực, hơn là nhu cầu thực sự của thị trường.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy sự tăng trưởng nóng chỉ mang tính nhất thời khi sản lượng bán hàng của thép xây dựng đã giảm về dưới 800.000 tấn trong tháng 4 sau khi lên mức kỷ lục vào tháng 3, và chạm đáy hơn 400.000 tấn vào tháng 6/2016. Đến những tháng cuối năm, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng chỉ ở ngưỡng 600.000 tấn.

Tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng cả năm đạt trên 20%, cũng chủ yếu nhờ kết quả đột biến từ đầu năm. Trong khi những tháng cuối năm chỉ còn duy trì mức tăng so với cùng kỳ trên 10%.

Khi thị trường cho thấy sức hấp thu thực tế chỉ ở ngưỡng tăng trưởng 10-15%, giá các nguyên liệu sản xuất quan trọng như quặng sắt và than cốc cũng dự báo sẽ có nhiều yếu tố bất ổn trong năm tới.

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, mặt bằng giá quặng sắt năm 2017 kỳ vọng ở mức bình quân 65 USD mỗi tấn sẽ cao hơn mức giá vốn trung bình các doanh nghiệp lò cao năm 2016 khoảng 15%, còn giá than mỡ nhập khẩu dự báo cao gấp đôi trong năm tới.

Với những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng sử dụng công nghệ lò cao như Hòa Phát hay Gang thép Thái Nguyên, việc phải dự trữ nguyên liệu trong dài hạn - điều không thể tránh khỏi, sẽ chịu rủi ro về biến động giá. Đặc biệt khi nguồn nguyên liệu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu.

Theo báo cáo tài chính của Hòa Phát, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty tính đến cuối năm 2016 đã tăng 44% so với đầu năm, đạt hơn 10.391,5 tỷ đồng. Trong đó giá trị nguyên vật liệu tăng gần 34% lên 3.649 tỷ đồng, giá trị hàng mua đang trên đường hơn 1.471 tỷ đồng. Tổng dự phòng giảm giá cho hai khoản mục này tại thời điểm kết thúc năm 2016 gần 120 tỷ đồng.

VCBS cũng dự báo, giá thép sẽ có xu hướng tăng do những tác động này. Dự kiến sẽ ở mức xấp xỉ 11 triệu đồng mỗi tấn so với mức 9,5 triệu đồng hiện tại.

Xét về khía cạnh tiêu thụ, giá tăng sẽ dẫn tới nhu cầu đầu cơ của các đại lý cao hơn, mặc dù tác động tích cực đến sản lượng bản hàng trong những tháng đầu năm nhưng sẽ khó duy trì đến hết năm. Điều này không khác so với trường hợp đầu năm 2016 khi áp thuế chống bán phá giá. Ngoài ra, giá tăng xuất phát từ yếu tố chi phí sản xuất cũng sẽ tác động không tích cực đến biên lợi nhuận.

Dự báo của VCBS, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện như Thép Việt Ý hay Thép Dana-Ý sẽ phải nhập khẩu phôi thép và chịu ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá. Sản xuất gần như quanh điểm hòa vốn trong năm 2017.

Trong khi đó, biên lợi nhuận ròng của nhóm doanh nghiệp lò cao như Hòa Phát hay Giang thép Thái Nguyên sẽ chỉ đạt khoảng 10%.

Minh Sơn - Hồng Châu

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN